KOI SolutionKOI Solution
KOI SolutionKOI Solution

Hoài niệm trong thời hiện đại. Tại sao lại không?

” Sự hoài niệm trong lòng mỗi người là điều riêng tư, vừa mang tính cá nhân lại vừa có cộng hưởng từ cộng đồng. Khi các giá trị chung và riêng gặp nhau thì người ta dễ chia sẻ, đồng cảm và kết nối với nhau thông qua hoài niệm về một thời nào đó. Ngược lại, khi thiếu bối cảnh, thời điểm thích hợp thì người ta khó có thể nhìn nhận các vấn đề liên quan đến cảm xúc đã qua, quá khứ một thời “. – CHÂU PHƯỚC HOÀNG ( Nhà thư pháp, kinh doanh mỹ nghệ )

Công trình KOI NP01

Chúng ta đã nghe nói nhiều đến vấn đề một đô thị không có sự lưu giữ ký ức sẽ giống như con người mất trí nhớ. Không gian cho ký ức đô thị không nhất thiết phải đạt các tiêu chí xếp loại di sản. Đó có thể là hiện tượng vật thể như hàng cây, góc phố, ngôi nhà…mà cũng có thể chỉ là phi vật thể như tiếng rao hàng, mùi hoa nở, hay kiểu mưa nắng vương trên hè phố mà ở nơi khác, xứ khác không thể nào có được. Dĩ nhiên, tôi cũng hiểu thời gian không quay trở lại, và cái mới tiện nghi văn minh hơn phải thay thế dần những thứ lạc hậu, bất cập, nhếch nhác hoặc thuần túy là cảm tính cá nhân. Không thể nào có một không gian sống ở thế kỷ 21 mà mọi thứ như cách đây 40 năm được.

Ý TƯỞNG VÀ CÁCH THỰC HIỆN

– Về ý tưởng, việc bố trí một không gian hoài niệm cần phải tuyệt đối tôn trọng quá khứ, phải đảm bảo những nhân vật, những hoàn cảnh trong quá khứ, những mốc thời gian đã qua phải được nhắc nhớ một cách trung thực, không cải biên, điều chỉnh hay diễn giải làm mất đi giá trị lịch sử của một không gian hoài niệm. Điều này cần tuân thủ thậm chí khá gần với nguyên tắc “tôn trọng hiện vật gốc” trong thiết kế bảo tàng.

– Về các giải pháp thực hiện, phổ biến nhất là các gia đình ở Việt Nam thường hay bố trí một phòng trên tầng cao nhất của ngôi nhà làm phòng thờ, do ở trên cao nên thường ít người lui tới ngoại trừ những lúc thắp hương hay dịp kỵ giỗ. Một số gia đình bố trí riêng không gian kiểu “phòng truyền thống gia đình” để lưu giữ lại toàn bộ những hình ảnh, những hiện vật hay những thông tin, gia phả, thành tích… của các thành viên trong gia đình. Những căn phòng dạng này có thể kết hợp làm phòng sinh hoạt chung của gia đình, nơi con cháu thường xuyên lui tới, thường xuyên được tiếp cận với những hình ảnh của các bậc tiền nhân nhằm mục đích giáo dục thế hệ sau hiểu thêm về truyền thống của tiền nhân. Đây là cách làm nên được khuyến khích, tuy nhiên, tùy điều kiện của từng gia đình, tùy cách sử dụng không gian diện tích của từng ngôi nhà mà việc bố trí không gian hoài niệm có thể được sắp xếp trong một căn phòng “hoành tráng”, hay chỉ là một góc không gian nhỏ vừa đủ để nhắc nhớ lại những kỷ niệm xưa. Nhờ đó mà hoài niệm sẽ không chỉ là việc nhớ lại, mà còn có thể tương tác, kết nối các thế hệ. Thông qua tổ chức không gian hoài niệm đủ đầy sẽ tạo nên thái độ nhìn trước ngó sau để đi tiếp một cách cẩn trọng, đúng mực của các thành viên trong gia đình.

KHÔNG THỂ THIẾU GẠCH NỐI VỚI QUÁ KHỨ

Trong nghệ thuật, hai chữ “hoài niệm” thường gắn với những sự kiện, con người câu chuyện đã trôi qua xen kẽ chút luyến tiếc, đôi khi “hoài niệm” còn là sự khao khát, mong ước về một thời thuộc về quá khứ nay không còn nữa. Trong kiến trúc, dấu ấn không gian mang tính hoài niệm thể hiện qua vật chất có thể nhận thấy và tương tác. Ví dụ như gạch gốm cũ, gạch bông, gạch xây hay bê tông trần là những “từ khóa” được sử dụng nhiều vì chúng mang vẻ thô sơ và gợi nhớ về cuộc sống một thời chưa có nhiều chất liệu hoàn thiện cao cấp. Dạng nhà sử dụng nhiều đá thô, tre nứa, rơm rạ cũng một phần thể hiện tính hoài niệm – hoài niệm về gốc gác thiên nhiên, về một thời xây dựng chưa bị bê tông hóa và nhà cao tầng chiếm lĩnh, hoài niệm về một thuở con người đã từng sống chan hòa và nương tựa thiên nhiên như thế nào. Trong nội thất, việc sử dụng những ảnh chụp, tranh vẽ về một thời đã qua, khéo xử lý tủ kệ cất giữ đồ lưu niệm hay trang trí không gian bằng vật dụng quá khứ cũng là một giải pháp hoài niệm.

KẾT

Tôi quan niệm, lớp trẻ luôn yêu sự năng động, thích xu hướng tối giản nhưng không thể thiếu gạch nối với quá khứ, cũng không khư khư ôm giữ kỷ niệm theo kiểu tái dựng không gian cũ. Tôi thiết kế “không gian hoài niệm” dựa trên tinh thần – nơi mỗi cá nhân sở hữu không gian đó có thể thỏa mãn cái tôi, tự chìm đắm trong hoài niệm chính mình mà không bị bó buộc vào khuôn mẫu cố định nào. Ví như trong một căn hộ chung cư, diện tích không đủ để làm một không gian riêng biệt, tôi có thể mượn khoảng ban công để chuyển hóa một phần công năng thành nơi có thể thư giãn cho người trẻ, nơi có thể uống trà hoài niệm về thuở xưa của bố mẹ, hay một góc mà trẻ nhỏ có thể sáng tạo như vẽ tranh, bày đồ thủ công… mỗi ngày và gợi cho người lớn nhớ về tuổi thơ của chính mình. Đối với nhà phố, không gian sinh hoạt chung là nơi dễ chuyển hóa thành không gian hoài niệm nhất, bởi đây là chỗ cả gia đình có thể quây quần đầm ấm bên nhau. Nhưng khi điều kiện diện tích không đủ để tạo nên những “living room” đúng nghĩa thì trong từng phòng riêng hoặc nơi nào có sự hội tụ nhiều thành viên như khu bàn ăn, góc xem tivi đều có thể thiết kế thành góc hoài niệm của các nhân hoặc cả gia đình.

Các giải pháp tạo góc hoài niệm trong nội thất thường là gợi nhớ thông qua tranh ảnh vật dụng để lưu lại ký ức, hay dùng một số sắp đặt mang tính trừu tượng để tạo sự liên tưởng hoài niệm… đều là những giải pháp khả thi. Tất nhiên, giải pháp nào cũng đều có ưu điểm và nhược điểm, mấu chốt nằm ở chỗ người thiết kế cần thấu hiểu mong muốn của gia chủ để đưa ra hướng tư vấn hợp lý, có chọn lọc và cân bằng tốt giữa các giải pháp.

Thực hiện: KTS LÊ HUY
Ảnh: KOI SOLUTION

Previous

Phong cách Đông Dương là gì?

Next

Nhà chung cư – xu thế mới (Phần 1)